Sinh con luôn được xem là thiên chức của người phụ nữ. Từ lúc mang thai đến khi sinh nở bất kì người phụ nữ nào cũng lo lắng và tự hỏi "đứa con tương lai của mình có “tròn trịa” không?", "cuộc vượt cạn của mình có suôn sẻ không?", "liệu bản thân mình có chịu đựng và vượt cạn qua được không?".
>>> Mẹ xem thêm nhé: Bác sĩ khoa nhi nói gì về việc cắt lông mi cho trẻ sơ sinh
Hình ảnh các mẹ bầu lăn lộn, gào thét chỉ vì “đau đẻ” đã không còn xa lạ khi đến khoa sản của các bệnh viện. Không ai xét nét cho những cảm xúc lúc bấy giờ của người phụ nữ, nhưng đó thực sự là những hình ảnh chưa đẹp mà có lẽ không sản phụ nào muốn để người khác chứng kiến. Chỉ đến khi thấy khoảnh khắc con yêu chào đời thì cảm giác đau đớn ấy mới tạm lắng xuống để nhường chỗ cho niềm hạnh phúc vô bờ.
Có thể nói đau đẻ luôn là nỗi sợ hãi, ám ảnh của các sản phụ trước, trong và sau đẻ. Điều này dễ gây ảnh hướng đến tâm, sinh lý của sản phụ. Chính vì thế mà gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được khá nhiều các mẹ lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, không ít các mẹ bầu đang băn khoăn không biết có nên sử dụng phương pháp này hay không khi những người đã từng đi trước người thì khuyên nên, người thì ngăn cản đừng "đẻ không đau".
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Ngọc (Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phụ sản TW) về những ưu điểm, nhược điểm và lưu ý khi sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng khi sinh.
Sản phụ có lợi gì khi tiêm giảm đau trong chuyển dạ?
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Ngọc cho biết: “Gây tê ngoài màng cứng giúp cho sản phụ giảm được đau đớn trong chuyển dạ. Cuộc chuyển dạ và sinh nở trở nên dễ dàng hơn, sản phụ hoàn toàn toàn thoải mái và không bị mất sức, làm cho sản phụ hết lo lắng và sợ hãi. Đặc biệt phương pháp này an toàn cho thai nhi. Nhờ có tác dụng giảm đau, bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được ca đẻ theo xu hướng tốt nhất cho thai và mẹ”.
Bác sĩ cho biết thêm phương pháp này đủ để giảm đau khi có chỉ định can thiệp khác và giảm đau kéo dài những ngày sau đẻ khi sản phụ có yêu cầu. Nếu phải mổ lấy thai cấp cứu thì sử dụng chính catheter ngoài màng cứng có sẵn để làm vô cảm khi mổ và làm giảm đau sau mổ. “Giảm đau trong đẻ không chỉ xoa dịu về thể xác mà còn nâng đỡ về tinh thần giúp sản phụ lấy lại cân bằng tâm, sinh lý, hợp tác tốt với nhân viên y tế trong quá trình chuyển dạ, vận động sớm, giảm nguy cơ bế sản dịch và cho con bú sớm”.
Khi gây tê ngoài màng cứng sản phụ sẽ trải qua những cảm giác gì?
Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện bởi các bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm. Thông thường các bác sĩ gây mê sẽ làm gây tê ngoài màng cứng khi cổ tử cung của sản phụ đã mở ở một mức độ nhất định (đồng nghĩa với việc sản phụ trước đó đã bị đau bụng do những cơn co tử cung đáng kể). Trước khi gây tê sản phụ được truyền dịch để tránh tụt huyết áp do thuốc tê có thể gây ra.
Bác sĩ Ngọc giải thích: “Khi gây tê sản phụ ngồi đầu cúi - lưng cong hoặc nằm nghiêng trái đầu cúi - co hai gối ép sát bụng. Khi làm thủ thuật này sản phụ hầu như không bị đau, sau đó một ống bằng chất dẻo rất nhỏ gọi là catheter sẽ được luồn vào trong khoang ngoài màng cứng, catheter không gây khó chịu gì cho sản phụ”.
Thuốc tê được tiêm vào một khoang bao bọc xung quanh tủy sống, gọi là khoang ngoài màng cứng. Để giảm đau khi chuyển dạ thuốc gây tê sẽ được tiêm ngắt quãng hoặc được một xi lanh điện tự động bơm liên tục với một tốc độ rất nhỏ và ổn định cho tới khi em bé ra đời. Sản phụ sẽ ít bị chịu đau, giảm 70-80% đau đớn so với bình thường. Nhờ đó mà cuộc chuyển dạ sẽ diễn ra dễ dàng hơn, nhanh hơn và do đó em bé cũng ít bị sang chấn hơn.
Tại thời điểm tiến hành thủ thuật, sản phụ được gây tê tại vị trí chọc kim, động tác này có thể gây đau tại vị trí ngoài da lưng giống như một mũi tiêm thông thường. Khi luồn catheter sản phụ có cảm giác tức ở mông hay chân, nhưng chỉ thoáng qua. Khi tiêm thuốc tê catheter sản phụ có thể cảm nhận được một dòng man mát chảy dưới lưng, ít phút sau khi tiêm thuốc sản phụ sẽ thấy đỡ đau, ngoài ra có thể có những cảm giác khác tùy từng người.
Những tác dụng không mong muốn khi gây tê ngoài màng cứng
Theo bác sĩ Ngọc, bên cạnh những ưu điểm, thì phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng có thể gây nên những tác dụng phụ không mong muốn, ví dụ như: thuốc gây tê có thể gây giãn mạch, tụt huyết áp, nhưng đề phòng được bằng truyền dịch trước, trong khi gây tê. Cơn co tử cung có thể ảnh hướng phần nào bởi thuốc gây tê nhưng hoàn toàn khắc phục được bằng việc theo dõi tần số và cường độ cơn co nhờ monitoring sản khoa và điều chỉnh bằng thuốc. “Sau khi đẻ một số sản phụ cho biết có cảm giác đau mỏi ở vùng lưng, nhưng đây là cảm giác thường có ở các phụ nữ mang thai cho dù không làm gây tê màng cứng”.
Đau đầu sau đẻ cũng là một trong số những tác dụng phụ của phương pháp. Nếu nhẹ thì không cần điều trị cũng sẽ tự hết, nặng thì cần truyền dịch, dùng thuốc, bác sĩ cần hướng dẫn sản phụ về tư thế nằm, cách ăn uống nghỉ ngơi để sản phụ khỏi để không để lại di chứng gì. Nhiễm trùng khoang ngoài màng cứng cũng có thể xảy ra nhưng hiếm gặp. Tai biến gây tụ máu ngoài màng cứng tại nơi gây tê rất hiếm gặp (tỷ lệ 0,04%). Tuy nhiên nếu tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc vô trùng và quy trình kỹ thuật có thể giảm thiểu tối đa được biến chứng này.
Bác sĩ cũng khuyến cáo: Các sản phụ có tiền sử rối loạn đông máu, số lượng tiểu cầu quá thấp (<9000/ml), tiền sử bệnh thần kinh hoặc bệnh lý tủy sống, các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân, có nhiễm trùng da vùng lưng… Hay những trường hợp đẻ khó như ngôi ngang, thai to, rau tiền đạo, người mẹ có khung chậu hẹp… đều không nên làm thủ thuật giảm đau trong đẻ.
Còn các sản phụ có yêu cầu làm giảm đau, sản phụ đã được bác sĩ sản khoa và bác sĩ gây mê hồi sức thăm khám trước đó đều có thể tiến hành thủ thuật gây tê ngoài màng cứng.