MÁCH LẺO CHO MẸ

Lưu trữ máu cuống rốn và những điều cha mẹ cần biết

21-08-2020, 12:00 am     0 1305
Xuất hiện từ lâu, nhưng việc lưu trữ máu cuống rốn vẫn còn khá xa lạ với đa số bà bầu. Trên thực tế, đây là một hành động thông minh và có thể mang lại lợi ích cho nhiều thế hệ

1/ Tại sao cần lưu giữ máu cuống rốn?

Là phần máu còn sót lại trong dây rốn và nhau thai, máu cuống rốn chứa nhiều tế bào gốc, đặc biệt là các tế bào hình thành và tạo ra máu.

Các tế bào gốc trong máu cuống rốn được lưu giữ với mục đích chủ yếu là để dùng cho việc chữa trị các bệnh về máu bao gồm bệnh bạch cầu, một số bệnh ung thư và các bệnh liên quan đến hệ thống miễn nhiễm, nhất là ở trẻ em.

Các tế bào có thể được sử dụng thay cho việc cấy ghép tủy xương để thay thế các tế bào máu của bệnh nhân. Nhờ đó, khoảng 80 bệnh và những rối loạn miễn dịch có thể được chữa trị. Máu cuống rốn giờ đây có thể được thu thập, bảo quản và lưu trữ trong nhiều thập kỷ.

2/ Ai sẽ phụ trách lưu trữ?

Ở một số bệnh viện, các mẹ có thể tặng máu cuống rốn của mình cho ngân hàng cuống rốn công, trong khi đó, một số phụ huynh sẽ chấp nhận chi trả để máu cuống rốn của con họ được lưu trữ riêng biệt, phòng cho những trường hợp đặc biệt của gia đình sau này.

Mặc cho những lợi ích y tế từ việc lưu trữ máu cuống rốn cho việc sử dụng chúng trong tương lai, việc làm này vẫn còn nhiều cân nhắc. Khoảng 1% phụ huynh quyết định lưu trự máu cuống rốn của con mình trong các cơ sở tư nhân với mức phí khoảng vài chục triệu.

Máu cuống rốn hiến tặng sẽ được sử dụng để điều trị cho bất cứ bệnh nhân nào phù hợp và cần. Do đó, đến khi có nhu cầu, khả năng cao là gia đình bạn sẽ không được sử dụng chính máu cuống rốn của mình.

Hầu hết các mẹ đều rất sẵn lòng tặng máu cuống rốn nhưng chỉ một số ít bệnh viện có đủ cơ sở vật chất để làm việc này. Vì vậy, nếu muốn lưu trữ riêng cho gia đình mình, mẹ cần liên hệ trước với những cơ sở làm dịch vụ này để được hướng dẫn chi tiết.

3/ Lợi ích khi lưu trữ máu cuống rốn?

Nhiều phụ huynh chọn gửi  máu cuống rốn của con mình với nhiều lý do, trong đó họ xem hành động này như “của để dành” cho gia đình mình, nhất là những gia đình có tiền sử bệnh hoặc con cái họ có những lưu ý đặc biệt mà sẽ khó có thể tìm được sự tương thích từ nguồn hiến tặng.

Rất nhiều người đang hi vọng sẽ được tiếp cận các liệu pháp y học tiềm năng này trong tương lai bằng cách sử dụng các tế bào gốc. Nghiên cứu cho thấy máu cuống rốn có thể ứng dụng trong việc điều trị bệnh tiểu đường, bại não, sửa chữa các mô bị bệnh và ngày nay nó đang được tiến hành trên toàn thế giới.

Hiện tại, tại Việt Nam có các đơn vị có ngân hàng lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn là: Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học truyền máu trung ương, Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem và Bệnh viện Vinmec Hà Nội.

Tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, bác sĩ Dũng tư vấn: Nếu có ý muốn lưu trữ máu cuống rốn, thai phụ nên đến bệnh viện để được tư vấn, đăng ký và làm các xét nghiệm (tốt nhất là hai tháng trước khi sinh).

Khi sinh, ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Truyền máu Huyết học sẽ đến bệnh viện phụ sản để lấy và xử lý máu cuống rốn của em bé.

Chi phí thu thập, xử lý máu cuống rốn và lưu trữ năm đầu khoảng hơn 20 triệu đồng. Sau đó, phí lưu trữ khoảng hơn 2 triệu đồng/năm.

Có một số trường hợp thai phụ không thể lưu trữ tế bào máu cuống rốn nếu mắc các bệnh truyền nhiễm (như viêm gan siêu vi,…); bị bất kỳ bệnh ung thư nào, hoặc các bệnh về máu như suy tủy,...; bị bất kỳ biến chứng hay bị mắc bệnh trong thời gian mang thai cũng như sinh nở; có thai ở độ tuổi dưới 18.

-------------------------------------------

HỆ THỐNG CỬA HÀNG TUTICARE
TRÊN TOÀN QUỐC
Tìm cửa hàng gần bạn nhất
x icon
Lựa chọn thành phố Bố Mẹ đang sống để được chính sách giá tốt nhất,
miễn phí vận chuyển & giao hàng nhanh chóng
Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
goto