Vì sao con lại đánh em?

01-09-2020, 10:13 am 1586

Đó là một câu hỏi mà rất nhiều bậc cha mẹ đặt ra cho con nhưng không nhận được câu trả lời. Mặc dù ba mẹ vẫn luôn nghĩ rằng "mình đã cố gắng hết sức có thể để đối xử công bằng với các con" nhưng đứa lớn vẫn hay đánh đứa bé! Không hiểu tại sao?

Nhưng ba mẹ biết không vẫn có nguyên nhân sâu xa mà có thể bố mẹ đã vô tình bỏ qua vì nó chỉ là những cử chỉ, hành động và lời nói quá nhỏ nhặt.

Từ những điều tưởng chừng vụn vặt vô hại ấy, tích dần lên theo thời gian, tác động trực tiếp vào nhận thức của đứa trẻ khiến nó thay đổi hành vi.

Nếu để ý, cha mẹ sẽ thấy, bất kể một em bé nào khi mới được lên chức anh/chị, sẽ không lao vào đánh em ngay từ những ngày đầu. Những hành vi đó chỉ xuất hiện dày đặc lên sau một khoảng thời gian.

Vậy, tại sao?

 30% xuất phát từ bản năng của đứa trẻ, 70% nguyên nhân xuất phát từ cách hành xử của người lớn!

Trong những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn từ 0 - 3 tuổi, trẻ thường sống và hành động theo bản năng. Đã gọi là sống bản năng, đồng nghĩa với việc chúng hành động theo cảm xúc và thường chưa biết cách làm thế nào để tiết chế cảm xúc của bản thân. Sống bản năng tức là khi gặp chuyện bực tức, bất an, ấm ức... chúng sẽ tìm cách trút giận lên những kẻ yếu thế hơn. Trong phạm vi gia đình, kẻ yếu hơn ở đây chính là đứa em của chúng. Hoặc cũng có những trẻ phản ứng bằng cách tự thu mình lại, bỏ nhà ra đi vì nghĩ rằng, ba mẹ không còn yêu mình nữa.

Nó có nghĩa, nếu người lớn có thể tạo cho chúng 1 môi trường khiến chúng luôn cảm thấy an toàn, được yêu thương và công bằng trong cách đối xử, những biểu hiện tiêu cực sẽ rất ít khi xảy ra.

Tuy nhiên, rất ít ba mẹ khi sinh con thứ hai làm được điều này. Phần vì họ không lưu tâm, phần vì họ chưa thực sự tinh tế trong cách đối xử với 2 đứa trẻ.

 

 Tập hợp những mảnh ghép nhỏ của sự ấm ức, khiến chúng luôn có sự ác cảm với em mình.

 

1/ "Mẹ sinh em bé, cháu ra rìa rồi!"

Đây là câu trêu đùa kinh điển của người lớn. Một câu trêu đùa tưởng chừng vô hại, nhưng hóa ra lại tai hại vô cùng! Chẳng có bất cứ một đứa trẻ nào thích bị bố mẹ cho ra rìa. Chẳng có bất cứ một đứa trẻ nào thích thú khi bố mẹ quan tâm, chăm sóc em nhiều hơn, yêu em nhiều hơn!
Nếu người lớn cứ thường xuyên nhắc đi nhắc lại câu nói này trước khi mẹ chúng sinh em bé. Đứa trẻ ấy sẽ nảy sinh cảm xúc thù ghét em ngay khi em ra đời!

2/ "Con ngủ đi! Giữ yên lặng để em còn ngủ! Con cứ nói to như thế, làm sao mà em ngủ được?"


Một câu nói nghe có vẻ là rất bình thường nhưng thực chất nó lại gây ấm ức cho bé.

Bé sẽ thắc mắc "Tại sao em ngủ thì con lại phải ngủ?". Nó còn có nghĩa "vì em mà mình không được chơi đùa". Trong trường hợp này, quyền lợi của bé rõ ràng đã bị ảnh hưởng bởi em.

Bởi vậy cho nên, bố mẹ đừng nên lấy con nhỏ ra làm lý do để ngăn cản con lớn làm bất cứ việc gì. Hãy tìm một nguyên nhân khác. Thay vì mẹ nói con đi ngủ cho em còn ngủ thì mẹ hãy bảo bé lớn con phải đi ngủ vì trời đã tối và mọi người đều phải đi ngủ. Hay là ngủ để giữ sức khỏe và còn để mai có thể thức dậy sớm để đi học!
Việc ngủ bé lớn và việc ngủ của em, vốn không liên quan đến nhau! Đừng bắt con bé phải làm việc gì hoặc không được làm việc gì "vì em".


3/ "Con lớn rồi, con phải nhường em chứ!"

Bạn nghĩ, đó là lý do chính đáng và thuyết phục nhất? Nhưng tin tôi đi, nó chẳng có ý nghĩa với con bạn đâu. Vì sao ư? Vì nó vốn chẳng còn nhớ được những gì đã diễn ra hồi nó còn bé. Cái nó quan tâm là những gì mắt thấy tai nghe!

Cha mẹ nên nhớ rằng, muốn con cái yêu thương, đoàn kết với nhau, điều kiện tiên quyết đầu tiên mà bố mẹ nên làm là đối xử công bằng với chúng. Không thể cứ là anh/chị thì phải chịu thiệt, còn là em thì được chiều chuộng, được nhường nhịn. Làm như vậy, tức là bố mẹ đang hại cả 2 đứa con mình. Một đứa luôn sống trong ấm ức nên trở nên cục cằn, một đứa vì được chiều chuộng, nhường nhịn nên trở thành ích kỷ.


4/ "Con hư lắm. Em ngoan thế này cơ mà!"

Một câu nói mà đến người lớn còn không thích chứ chưa nói đến trẻ con. Chẳng ai muốn bị mang ra so sánh với kẻ khác. Những đứa trẻ thì càng không. Bởi trẻ con vốn rất nhạy cảm. Những gì mà người lớn không để ý, chúng lại rất hay lưu tâm. Đừng bao giờ mang chúng ra so sánh với nhau, ai hơn, ai kém.
Mang con mình ra so sánh với con hàng xóm đã ác rồi, mang chúng ra so sánh với nhau còn ác hơn! Làm như vậy, chỉ khiến chúng càng ngày càng ghét nhau, ganh tỵ nhau.

5/ "Con nín đi! Em trêu con à? Mẹ đánh em nhé!"

Mục đích của câu nói vốn dĩ chỉ là để dỗ dành con lớn nín khóc trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, chính câu nói này đã gián tiếp dạy bé cần phải đánh em khi em trêu mình. Và khi vắng bố mẹ trông chừng, bé rất có thể sẽ đánh em vì cho rằng hành động nào đó của em đã phạm phải điều cấm kỵ trên: trêu chị!

6/ "Con làm đổ cốc nước à? Hay em làm đổ? Chắc là em hả? Em hư quá!"

Thực ra, câu nói này để gián tiếp nhắc nhở, cảnh báo nhưng nó lại gây tác dụng ngoài ý muốn là con bé bắt đầu biết đổ tội cho em, không chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Vậy cho nên, người lớn đừng bao giờ nói với con bằng giọng nước đôi như thế này nếu bạn biết chắc chắn ai làm đổ nước. Bởi, nếu nói như vậy, tức là bạn đã gián tiếp dạy bé cách đổ tội lỗi lên đầu kẻ khác. Không dám nhận lỗi và chịu trách nhiệm với những lỗi lầm của mình mà chỉ đổ tội cho em. Điều này thực sự rất tai hại.

7/ Khi 2 con cùng khóc mà bạn chỉ có 1 mình. Hãy dỗ đứa lớn trước!

Bởi vì bé còn rất nhỏ nên gần như con không biết sự tủi thân và ganh tị với bé lớn. Còn bé lớn thì khác, nếu cả 2 cùng khóc thì con rất hay để ý đến thái độ của ba mẹ.

 Khi thấy mẹ chạy đến bên mình trước,bé vui sướng ra mặt và mẹ chỉ cần dỗ vài câu là nín. Sau khi bé lớn nín, mẹ có thể rủ ra cùng dỗ em bé. Như vậy là xong, rất êm đẹp đúng không nào.


8/ Nếu nghe hát, kể chuyện trước khi đi ngủ là thói quen của bé thì ba mẹ cố gắng duy trì thói quen đó cho con. Đừng vì lý do bận, mệt mà bỏ quên. Khi đó, bé sẽ cho rằng, vì có em nên bố mẹ mới không yêu thương, quan tâm bé như xưa.

9/ Đừng quên bế em lớn, bày tỏ tình yêu với em lớn, dành thời gian vui chơi, nói chuyện với em lớn hàng ngày để em lớn an tâm rằng, việc có thêm em bé, không ảnh hưởng gì đến tình yêu của bố mẹ dành cho mình.

10/ Hãy để ý tới những bộ phim hoạt hình mà bé xem. Đừng cho bé xem những bộ phim xuất hiện nhiều cảnh bạo lực. Việc bé hay đánh em, cũng có thể là do bé bắt chước theo những nhân vật trong phim hoạt hình. Mà trong phim hoạt hình, dù các con vật có đánh nhau lộn tùng phèo thì chúng vẫn chẳng bị làm sao. Nên bé nghĩ, việc đánh người khác không có gì là trầm trọng.

11/ Hãy động viên bé, rủ bé cùng tham gia vào việc chăm sóc em.


Khi con bé nhận thấy, việc chăm em là trách nhiệm của cả gia đình và sự xuất hiện của em vốn dĩ chẳng gây ảnh hưởng xấu gì tới quyền lợi của con bé, con bé sẽ tự có những cách hành xử đúng mực. Khi đã yêu quý em rồi thì chẳng cần bố mẹ phải dạy, con bé cũng sẽ nhẹ nhàng với em, nhường nhịn em, chia sẻ đồ chơi với em.

Như vậy, việc quan trọng nhất bố mẹ cần phải làm từng bước một đó là:

 

- Giúp con làm quen với việc có em.

- Giúp con không có ác cảm với sự có mặt của em.

- Giúp con yêu quý và gắn bó với em.

- Sau khi con bé đã yêu quý em rồi việc của bố mẹ là dạy chúng cách chia sẻ với nhau, bảo vệ nhau, nhường nhịn nhau.

Thực hiện từng bước một thôi, như vậy mới cho hiệu quả tốt.

Nếu ngay từ đầu, bố mẹ đã đưa ra những nguyên tắc cho con lớn và bắt con phải thực hiện theo vô điều kiện. Nếu con không thực hiện mà lỡ tay đánh em, bố mẹ lập tức quát mắng, trừng phạt con, thậm chí đánh đập, con sẽ chỉ thêm thù ghét em mà thôi.

Dù nỗi ấm ức này không thể hiện ra ngoài, nhưng nó sẽ tích tụ dần và gây ra những hậu quả đáng tiếc về sau. Thậm chí, có những anh, chị em trong một gia đình vẫn cay cú, thù ghét nhau ngay cả khi đã trưởng thành, lập gia đình.

Những hành động nhỏ nhặt, ba mẹ ứng xử một cách tinh tế hơn thì các con sẽ luôn thương yêu nhau. Hãy để cho chúng có một tuổi thơ êm đềm, cùng nhau lớn lên và trưởng thành!

Bài viết bạn nên xem thêm

HỆ THỐNG CỬA HÀNG TUTICARE
TRÊN TOÀN QUỐC
Tìm cửa hàng gần bạn nhất
x icon
Lựa chọn thành phố Bố Mẹ đang sống để được chính sách giá tốt nhất,
miễn phí vận chuyển & giao hàng nhanh chóng
Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
goto