MÁCH LẺO CHO MẸ

Những tips nhỏ cho mẹ để bé thỏa thích bơi lội ngày hè

05-07-2017, 12:00 am     0 726

Làm thế nào để bé bớt sợ nước, thích nước và bơi lội? Chọn phao bơi thế nào để bé có thể thoải mái, tự tin vẫy vùng trong nước. Có lẽ rất nhiều bố mẹ không hiểu vì sao bé nhà mình lại sợ sệt, không thích nước. Dù bé cơ bản tính nhút nhát, sợ nước thì nếu bố mẹ áp dụng các mẹo nhỏ này bé cũng sẽ bớt sợ nước và có những giây phút vui vẻ dưới nước hơn đấy!

1. Hãy xuống bể bơi cùng bé

Một số bố mẹ thường không xuống bể bơi, biển nhưng cứ ngồi trên bờ bảo con: xuống bơi đi, có gì đâu mà phải sợ. Nhưng những việc đến bố mẹ còn không làm thì làm sao trẻ có thể hào hứng. Vì vậy, thay vì cứ ép bé xuống nước, bạn hãy xuống nước trước và khuyến khích bé xuống cùng trải nghiệm với bố mẹ.

2. Chọn phao bơi phù hợp với bé

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phao bơi khác nhau cho trẻ, có thể chia thành các nhóm sau:

Phao cổ: loại phao này phù hợp với các bạn nhỏ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, bố mẹ khi mua phao nên lưu ý vòng cổ vừa với bé, phần viền áp vào cổ bé mềm mại, không làm bé khó chịu hay để lại vết hằn ở cổ sau đeo. Phao cũng
nên có 2 lớp cài vào nhau, một lớp dính và một lớp cài để đảm bảo phao không bị tuột ra trong quá trình bé vùng vẫy trong nước. Độ phồng của phao cũng không nên quá to khiến bé khó chịu, tốt nhất là tham khảo các loại phao độ phồng to dần từ phía cổ ra.

Phao tay: Có 2 loại phao tay là:
+ Phao rời bơm hơi, 2 phao ở 2 tay: Loại này khá phổ biến và rẻ, phù hợp
cho bé dưới 6 tuổi. Khuyết điểm duy nhất của loại phao này là dễ hỏng và không phù hợp với những em bé hơi nặng cân.
+ Phao không bơm hơi, có thêm lớp phao trước ngực và gài ở sau lưng của Stearn: Ưu điểm của loại phao này là sẽ phù hợp với các bạn nhỏ có cân nặng từ khoảng 13-22kg, khi mặc cũng cử động dễ dàng, thoải mái và ít bị hỏng. Tuy nhiên, loại phao này giá cao (trên 500k) và chỉ có 1 số cửa hàng bán hoặc phải mua hàng xách tay.

Áo phao: Áo phao thường phù hợp để mặc khi ngồi trên thuyền bè, ca nô hơn là để đi bơi vì sẽ khá cồng kềnh, vướng víu, khó bơi lội, nhất là cho các bé nhỏ.

Áo bơi trợ nổi: là các loại áo bơi có gắn phao giúp bé nổi trên mặt nước. Các loại này có ưu điểm là bé chỉ cần mặc áo bơi 2 trong 1, không cần mặc thêm áo phao và cũng khá thoải mái khi vận động, giá cả cũng không quá cao.

Phao tròn: phao tròn là loại phao cổ điển và phổ biến nhất. Loại phao này có rất nhiều loại khác nhau như loại có lớp màng và lỗ ở giữa để bé thoải mái ngồi trong phao, phao tròn có thêm đai thắt lên lưng…. Tuy nhiên, những loại phao này chỉ phù hợp để cho bé ngồi lên phao chơi trên nước chứ không phải để thoải mái bơi lội.

Ngoài ra còn có các loại phao hình dáng các con vật khác nhau, cho bé ngồi lên chơi. Các loại phao này chỉ phù hợp để chụp ảnh, ngồi chơi trên nước chứ không phù hợp để tập bơi.

Tóm lại, để bé có thể thoải mái và dễ dàng vùng vẫy, bơi bội trong nước, bố mẹ nên dùng phao cổ, phao tay hoặc áo phao trợ nổi. Phao thường khá chiếm diện tích nhưng nếu muốn bé có chuyến du lịch trọn vẹn hơn, bố mẹ nên mang theo phao riêng cho bé.

3. Trải nghiệm chuyến đi bơi đầu tiên tại.....nhà tắm

Một số bé sợ bể bơi là do sợ tắm ở nhà hay chưa có đủ thời gian để thích nghi với bể bơi. Vì vậy, hãy biến những lần đi tắm ở nhà không phải là nghĩa vụ nữa là là những lần chơi đùa thật vui. Có rất nhiều trò chơi trong nhà tắm như chữ cái dính trên thành bồn tắm, phun nước, bắn sung nước, trượt trên sàn nhà tắm…. Bố mẹ nên khuyến khích bé ngập người trong chậu nước tắm to, dội nước tắm từ trên đầu xuống dưới để quen dần với việc nước ngập vào mặt, bớt sợ đi tắm ở bể bơi.

4. Cho bé đi chơi cùng anh chị, bạn bè

Các bạn nhỏ thường rất thích bắt chước và chơi cùng với các anh chị lớn, bạn bè. Vì vậy, nếu thấy các anh chị, các bạn thoải mái bơi lội dưới nước, bé cũng sẽ bớt sợ hơn. Ngoài ra, bố mẹ có thể cho bé ngồi thò chân xuống nước, xối nước dần dần rồi ngồi trên cổ bố mẹ… để bé quen dần trước khi chìm cả người xuống nước.

5. Không ép, không dọa dẫm

Nếu bé chưa sẵn sàng xuống bé dù bạn đã làm đủ mọi cách, đừng ép bé. Hãy cho bé chơi ở trên bờ, đến lúc nào đó thấy hết sợ, tự bé sẽ xuống bể bơi. Đừng vì tiếc tiền hay nghĩ là "cứ xuống rồi sẽ thích" mà ép bé xuống bể bơi, bạn có thể làm bé sợ bể bơi mãi mãi.

Ngoài ra, đừng cho bé xem phim, nghe những câu chuyện rùng rợn về quái vật dưới nước hay chết đuối… Bạn có thể dạy bé những bài học về an toàn dưới nước, phòng tránh đuối nước nhưng với giọng điệu nghiêm túc, vạch ra đâu là giới hạn chứ không phải là để dọa dẫm, cấm bé.

6. Bé ở lứa tuổi nào thì nên đi học bơi?

Có quan điểm cho rằng, trẻ sơ sinh sinh ra đã có bản năng bơi lội, việc của người lớn là duy trì tiếp bản năng đó. Vì vậy, những clip gần đây về những em bé sơ sinh tự tin bơi trong nước khiến nhiều bố mẹ ngưỡng mộ và có rất nhiều lớp dạy bơi nhận dạy cho các em bé từ sơ sinh, khoảng vài tháng tuổi, thậm chí là vài tuần tuổi với giá cao ngất ngưởng và gọi là những lớp “Bơi sinh tồn”.

Tuy nhiên, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì không khuyến cáo áp dụng các chương trình học bơi chính thức cho trẻ em dưới 1 tuổi. Từ 6 tuần tuổi, sau khi đã rụng rốn, bố mẹ có thể cho bé đi bơi ở các bể bơi công cộng sạch sẽ hoặc cho bé bơi ở nhà nhưng hoạt động bơi lội nên là một hình thức vui chơi chứ không phải là học kĩ năng bơi để đảm bảo an toàn, ngăn ngừa chết đuối. Sở dĩ có khuyến cáo này vì các bé sơ sinh có nguy cơ uống phải nhiều nước khi xuống bể bơi gây nên hội chứng ngộ độc nước. Và hơn nữa, không có bằng chứng khoa học chứng minh rằng các lớp học này hiệu quả trong việc dạy trẻ kĩ năng bơi sinh tồn.

Với trẻ từ 1-4 tuổi, trước đây Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì khuyến cáo không nên cho trẻ lứa tuổi này học bơi bởi vì có quá ít bằng chứng là việc dạy bơi cho trẻ ở độ tuổi này hiệu quả và có thể khiến bố mẹ lơ là việc trông nom bé ở khu vực sông nước vì bé đã được học bơi. Tuy nhiên, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì đã cởi mở hơn với vấn đề này vì một vài bằng chứng mới đã chứng minh rằng những bé ở độ tuổi này ít bị chết đuối hơn nếu đã được học bơi. Vì vậy, Hiệp hội không khuyến cáo nên dạy bơi cho tất cả trẻ 1-4 tuổi mà bố mẹ nên tự quyết định dựa vào việc bé có thường xuyên phải tiếp xúc với nước không, sự phát triển về cảm xúc, khả năng thể chất của trẻ và những vấn đề sức khỏe của trẻ liên quan đến các chất hóa học ở bể bơi…. Các lớp học bơi cho bé ở độ tuổi này cũng không phổ biến ở nước ta, giá cả lại đắt đỏ, các bể bơi chất lượng cao không nhiều. Vì thế, có lẽ bố mẹ chỉ nên cho con đi bơi như một hoạt động vui chơi hơn là học bơi.

Với bé từ 4 tuổi trở lên, bố mẹ nên cho bé đi học bơi. Trẻ ở độ tuổi này đã đủ khả năng nhận thức để tham gia các lớp học kĩ năng bơi sinh tồn, đảm bảo an toàn khi xuống nước.

Hi vọng với những chia sẻ trên, ba mẹ và bé sẽ có một mùa hè an toàn với những chuyến du lịch....bể bơi đầy thú vị!

HỆ THỐNG CỬA HÀNG TUTICARE
TRÊN TOÀN QUỐC
Tìm cửa hàng gần bạn nhất
x icon
Lựa chọn thành phố Bố Mẹ đang sống để được chính sách giá tốt nhất,
miễn phí vận chuyển & giao hàng nhanh chóng
Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
goto