MÁCH LẺO CHO MẸ

Nguyên nhân nào khiến bé hay thức giấc giữa đêm?

19-08-2020, 12:00 am     0 5882

Câu hỏi muôn thuở về việc tại sao các bé hay thức giấc giữa đêm mà không thể ngủ thẳng 1 mạch tới sáng sẽ được giải đáp với 4 nhóm nguyên nhân chính dưới đây.

Sau khi sinh, có lẽ công việc khiến nhiều cha mẹ cảm thấy khó khăn muôn vàn và mệt mỏi nhất đó chính là chăm con vào ban đêm bởi bé thường xuyên thức giấc mà không thể ngủ 1 mạch tới sáng. Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) thì “Trẻ không có chu kỳ giấc ngủ thường xuyên và ổn định cho đến khi bé khoảng 6 tháng tuổi”. Tuy nhiên, với mỗi em bé khác nhau thì nhu cầu ngủ cũng khác nhau. Có những bé có nết ngủ ngoan, từ khi trong tháng đã có thể ngủ suốt đêm không dậy ọ ẹ, nhưng cũng sẽ là bình thường nếu bé thức giấc nửa đêm và sẽ ngủ lại sau một vài phút.

Hầu như bé nào cũng sẽ trải qua giai đoạn khó ngủ, thức giấc vào ban đêm mỗi khi mọc răng hay thay đổi thói quen, chuyển giao giữa các thời kỳ (từ biết lẫy chuyển sang biết bò...). Và việc tìm hiểu nguyên nhân nào khiến trẻ thường xuyên thức giấc vào ban đêm vẫn là mối quan tâm của rất nhiều bà mẹ bởi nếu có thể phán đoán chính xác lý do khiến trẻ khó ngủ, bố mẹ sẽ biết cách chăm sóc bé tốt hơn.

Bốn nhóm nguyên nhân chính sau đây sẽ lý giải hiện tượng này:

1. Rối loạn giác ngủ tại các mốc phát triển

Đây là thuật ngữ dùng để mô tả các giai đoạn mà bé sẽ có sự thay đổi về giấc ngủ. Đó là khi trẻ được 4, 9, 13 và 18 tháng tuổi. Trong các thời điểm này, bé có nhiều bước ngoặt trong phát triển thể chất, trí tuệ quan trọng của bé như lẫy, bò, tập đi, chạy nhảy.

Bộ não của các bé vẫn xử lý thông tin trong suốt thời gian ngủ và bé trở nên tỉnh táo hơn khi tiếp cận các mốc phát triển mới. Thực ra sự rối loạn giấc ngủ khiến trẻ hay thức giấc giữa đêm là 1 biểu hiện bình thường trong những giai đoạn phát triển này của trẻ. Nó giống như phản ứng tạm thời của bé với sự thay đổi giữa các mốc phát triển của cơ thể.

2. Lơ là giấc ngủ trong tuần khủng hoảng

Bỗng một ngày mẹ thấy con yêu cáu kỉnh, quấy khóc nhiều hơn, ăn ngủ ít hơn mà không hề có một triệu chứng gì của việc bị ốm. Biểu hiện này khiến cho cha mẹ lo lắng và căng thẳng không hiểu chuyện gì đang xảy ra với con yêu của mình. Tuy nhiên, những biểu hiện “trái nắng trở trời” này của con yêu là hoàn toàn bình thường bởi rất có thể bé đang trong thời gian tập trung phát triển các kỹ năng vận động và trí não, chuẩn bị cho bước tiến mới do đó bé sẽ lơ là việc ăn và ngủ.

Hiện tượng này thường gặp ở các bé từ 13, 15, 17 tháng tuổi, nhưng đặc biệt hay xảy ra trong 6 tháng đầu khi bé bước sang tuổi thứ 2. Những tuần khủng hoảng này có thể kéo dài nhiều tuần. Hai bác sĩ nhi khoa người Hà Lan là Hetty van de Rijt và Frans Plooij từng nghiên cứu về tuần khủng hoảng của trẻ đã chia sẻ rằng giai đoạn khó khăn này, các mẹ sẽ phải đương đầu với "3C" của trẻ: Crying, Clinginess, Crankiness (Khóc lóc, Đeo bám, Cáu kỉnh). Đây là các dấu hiệu cho thấy bé đang trải qua thời kì phát triển về mặt tinh thần, và việc bé hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không sâu giấc cũng là điều dễ hiểu.

3. Các hoạt động thể chất, vận động

Năm 2003, Tiến sĩ Dina Cohen, thành viên Khoa Tư vấn và Phát triển con người thuộc Đại học Haifa (Israel) đã thực hiện nghiên cứu trên 28 em bé sơ sinh khỏe mạnh. Kết quả cho thấy sự phát triển các kĩ năng vận động thô và thói quen giấc ngủ của bé có sự thay đổi từ tháng thứ 4-5 và kéo dài cho đến tháng thứ 11. Bé sẽ tập bò từ tháng thứ 7 và nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong thời gian bé phát triển kĩ năng bò thì số lần bé thức giấc ban đêm tăng từ 1.55 lần lên thành 1.98 lần. Thời gian bé thức đêm cũng kéo dài hơn, trung bình sau 10 phút bé mới ngủ lại được.

Tiến sĩ Cohen lí giải "Kĩ năng bò bao gồm một loạt thay đổi về thể chất và tái cơ cấu tâm lý đối với sự phát triển của trẻ, điều này làm tăng mức độ kích thích, ảnh hưởng đến khả năng tự điều chỉnh và gây ra sự mất trật tự trong giấc ngủ, và kết quả là bé thức dậy trong đêm nhiều hơn". Nghiên cứu còn chỉ ra việc bé thức giấc trong đêm không chỉ xảy ra trong tháng mà bé đạt cột mốc phát triển vận động nào đó mà còn kéo dài 3 tháng tiếp theo sau đó. Một số hoạt động khác như ngồi, đứng, đi bộ, leo trèo và chạy cũng sẽ khiến bé trằn trọc hơn mỗi đêm.

4. "Bùng nổ" kĩ năng ngôn ngữ

Từ 18-24 tháng tuổi, trẻ như bước vào giai đoạn bùng nổ ngôn ngữ và có những tiến bộ rõ rệt trong kĩ năng giao tiếp, sử dụng câu từ. Bé bắt đầu học cách ghép từ, tập nói thành câu dài hơn, hoàn chỉnh hơn thay vì nói từng từ một như trước đó. Điều này cũng là nguyên nhân khiến bé lơ là giấc ngủ ban đêm, có bé mải nói chuyện với bố mẹ mà "quên" mất việc ngủ, có bé ngủ mơ vẫn còn nói, và hay thức giấc giữa đêm.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ phải hiểu rằng việc bé thức dậy ban đêm là hết sức bình thường khi trẻ còn nhỏ và đó không phải là vấn đề trầm trọng kéo dài mãi mãi. Thay vì cáu giận với bé, cha mẹ hãy tìm cách giúp bé trở lại giấc ngủ càng nhanh càng tốt. Khi hiểu được những nguyên nhân cơ bản khiến con thức dậy vào ban đêm và ý thức được đó là một phần của sự phát triển của trẻ thì cha mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, bớt căng thẳng.

Để cải thiện, trước khi cho bé đi ngủ, cha mẹ có thể thực hiện những động tác massage toàn thân cho bé, tắm nước ấm để bé có giấc ngủ sâu hơn và dài hơn. Nếu thấy bé thức dậy, việc cha mẹ cần làm là giúp bé an tâm, thoải mái hơn bằng cách ôm ấp, nhẹ nhàng vỗ về để nhanh chóng đưa bé quay trở lại giấc ngủ.

HỆ THỐNG CỬA HÀNG TUTICARE
TRÊN TOÀN QUỐC
Tìm cửa hàng gần bạn nhất
x icon
Lựa chọn thành phố Bố Mẹ đang sống để được chính sách giá tốt nhất,
miễn phí vận chuyển & giao hàng nhanh chóng
Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
goto