MÁCH LẺO CHO MẸ

Mẹ xử lý thế nào khi bé phun, nhè thức ăn?

25-08-2020, 12:00 am     0 22706

Nhè hay phun thức ăn là một phần "không thể thiếu" khi trẻ ăn dặm. Điều này đôi khi làm các mẹ thấy stress và lo lắng rằng nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Làm thế nào đây?

Có phải do thức ăn không ngon, không hợp khẩu vị của trẻ? Thực tế thì không phải như vậy. Trẻ ở độ tuổi ăn dặm (dưới 1 tuổi) chưa thể cảm nhận được thức ăn ngon hay dở. Việc trẻ nhè thức ăn là phản xạ tự nhiên của cơ thể chống lại những vật thể lạ đi vào cơ thể. Điều này cũng giống như cơ thể trẻ đang thăm dò vật thể lạ (cụ thể là thức ăn), khi thức ăn đưa vào miệng trẻ sẽ nhè giống như đang từ chối vậy.

Vì vậy, mẹ đừng nghĩ bé khó tính vì mẹ nêm hạt hay mặn, vì thức ăn không đa dạng. Bé chỉ đang gặp chút khó khăn trong việc làm quen với thức ăn mới mà thôi.

Nên làm gì khi bé thường xuyên nhè, phun thức ăn?

Điều mẹ cần làm lúc này là theo dõi hành vi của trẻ ở mức độ nào và nên cho trẻ thời gian để làm quen, đừng ép trẻ ăn.

Khi mới bắt đầu ăn dặm trẻ có thể ăn thun thút 1 - 2 ngày đầu nhưng những ngày sau trẻ sẽ nhè thức ăn, nhè cháo. Vậy thì mẹ hãy thử bắt đầu với những món ăn đơn giản từ rau củ như súp cà rốt, sốt táo, súp bí ngô, cháo rau củ... cho đến khi có một món ăn nào đó bé chấp nhận. Đừng quá lo lắng, giai đoạn ăn dặm trẻ chỉ làm quen thức ăn mới, sữa vẫn là thức ăn chính. Mẹ hãy kiên trì tập cho bé làm quen thành công, sau 2 tuổi bé sẽ ăn ngon lành.

Trong trường hợp bé kiên quyết từ chối mọi món bạn thử, hãy ngừng cho bé ăn trong 1 tuần, sau đó cho bé ăn thử lại. Mỗi lần cho bé ăn chỉ cần 1 - 2 thìa là đủ. Một ngày mẹ chỉ cần cho bé ăn khoảng 1 - 2 bữa và hãy tập trung vào việc cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể để sữa luôn dồi dào cho bé.

Hành động này là một phần trong cơ chế tự bảo vệ của quá trình tiến hóa xa xưa, khi cơ thể phải dè chừng với những loại thức ăn mới vì có độc hay hại cho cơ thể. Đó là lí do, mẹ sẽ thấy bé thường hay không chịu ăn đồ ăn mới mẹ giới thiệu ngay mà sẽ nhè ra, ngửi hay cầm chơi, ném, nếm thử... 

Nếu bé từ chối ăn một món ăn trong quá trình ăn dặm như cà rốt chẳng hạn, đừng vội nản chí, hãy giới thiệu cà rốt trong những bữa tiếp theo. Chỉ là bé đang làm quen với cà rốt thôi chứ không phải là bé không thích cà rốt các mẹ nhé. Nếu lúc này, mẹ loại cà rốt ra khỏi thực đơn của trẻ vì nghĩ trẻ không thích sẽ khiến con ăn uống không đa dạng và kén ăn sau này.

Mẹ cũng có thể biến tấu nguyên liệu một chút cho phong phú, hôm nay mẹ cho bé ăn cà rốt luộc, lần sau là súp cà rốt, sau nữa là cà rốt xay cùng thịt... hay hôm nay cá hấp, mai cá rán, cá kho... Thay đổi món ăn mới sẽ giúp bé được nếm nhiều mùi vị khác nhau và kích thích vị giác hơn.

Nếu bé nhè vì từ chối một vài loại thức ăn nào đó trong quá trình ăn dặm, mẹ có thể tạm dừng món ăn đó nhưng đừng đưa món ăn mà bé thích ra để thay thế vì sợ bé đói. Điều này có thể sẽ khuyến khích bé có xu hướng luôn từ chối món mới để được ăn những món quen thuộc, khiến bé không đa dạng khẩu vị và có nguy cơ bị thiếu chất do chế độ ăn không cân bằng. Hãy cho bé ăn các món khác nếu bữa ăn đó có nhiều món hoặc ngừng bữa ăn luôn. Hôm sau hoặc vài hôm sau, hãy thử cho bé ăn lại thức ăn đó – có thể chế biến theo kiểu cũ hoặc theo kiểu mới. 

Thực tế cho thấy, bé có thể phải nếm 10 lần để chấp nhận ăn món đó.

Bé nhè, phun thức ăn khi ăn dặm tự chỉ huy

Nếu mẹ nào cho con ăn dặm tự chỉ huy sẽ thấy, trẻ thường có thói quen nhè, phun thức ăn và nếm, gặm món mới một cách tò mò. Nguyên nhân là do quá trình nhai gặm của bé còn yếu chưa đủ để nghiền nát thức ăn và nuốt, vì vậy bé nhè ra.

Và hầu hết, khi lần đầu ăn dặm, bé chơi cùng thức ăn là chính, ăn là phụ. Bé được học cách làm quen với hương vị mới, màu sắc mới nên bé chỉ nếm và mút. Ngoài ra, có thể bé đã no bụng và không muốn ăn, vì vậy khi bé nhè và nhất định không ăn mẹ hãy dừng lại. Nếu lo lắng bé còn đói hãy để bé chơi 1 tiếng sau và cho bé ăn lại.

Với các bé lớn hơn một chút, đã qua thời kì ăn dặm, thường là khoảng 2 tuổi thì khi bé từ chối món mới, bố mẹ có thể thuyết phục bé bằng nguyên tắc “nếm thử trước khi chê không ngon”, thử một miếng thôi. Nếu thấy ngon, con có thể ăn tiếp. Còn nếu không thấy ngon, con có thể dừng lại không ăn nữa, không ai ép con cả. Thường thì trong những trường hợp này bé sẽ chịu nếm món mới.

HỆ THỐNG CỬA HÀNG TUTICARE
TRÊN TOÀN QUỐC
Tìm cửa hàng gần bạn nhất
x icon
Lựa chọn thành phố Bố Mẹ đang sống để được chính sách giá tốt nhất,
miễn phí vận chuyển & giao hàng nhanh chóng
Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
goto