Mẹ 3 con chia sẻ: kinh nghiệm ăn dặm kiểu Nhật và những điều liên quan

25-02-2020, 11:46 am 1654

ĂN DẶM KIỂU NHẬT VÀ NHỮNG ĐIỀU LIÊN QUAN

Bài rất dài vì mình viết chi tiết, từ công thức ăn dặm, làm gia vị cho bé, làm sữa chua, chọn dầu ăn, kinh nghiệm cho bé đi du lịch tuổi ăn dặm. Mình chia ra từng phần cho dễ đọc các bạn nhé.

1: ĂN DẶM KIỂU NHẬT, CHÁO RÂY TỪ LOÃNG ĐẾN ĐẶC

Trước tiên, cần phải khẳng định ngay rằng, mình không phải bà mẹ giỏi đâu, chỉ là do nuôi đến ba đứa con nên mình dày dặn kinh nghiệm thôi (kiểu sống lâu lên lão làng ấy). Do đó mình không ảo tưởng bản thân hay gì hết, chia sẻ theo yêu cầu của các bạn để các bạn tham khảo thêm thông tin, các bạn làm ngược lại mình cũng không sao. Bởi vì, có rất nhiều phương pháp và tài liệu ăn dặm khác nhau, thậm chí các tài liệu đó cũng phân tích những điều trái ngược hẳn nhau, nếu chỉ đọc một vài thông tin mà không đọc đủ hết hoặc không chắt lọc thì rất dễ bị hoang mang sờ tai (style) 😀

Mình đã đọc gần như mọi tài liệu về ăn dặm, nói chính xác nhất là cứ cái gì có chữ là mình đọc. Mình không bàn luận về tài liệu nào đúng, tài liệu nào sai, mà mình dựa vào cảm nhận, đánh giá cá nhân cũng như lựa theo con mình để làm.

Suy cho cùng, các phương pháp ăn dặm tồn tại song song đều có cái hay cái dở, chúng đều được lý giải khoa học nhưng không có cái gì tuyệt đối, do đó bạn cần phải nhớ rằng TẤT CẢ CÁC PP ĂN DẶM HIỆN NAY ĐỀU KHÔNG BẮT BUỘC. Tức là bạn muốn cho con ăn kiểu nào cũng được miễn bé hợp tác.

Bạn có thể cho bé ăn dặm sớm một chút hoặc muộn một chút không sao, miễn đừng cho ăn quá sớm hoặc quá muộn thôi.

Mình cho bé nhà mình ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm tự chủ (BLW), do bé có tố chất ăn, mình gọi là tố chất vì con nuốt giỏi, từ 5,5 tháng đã có thể nuốt miếng to bằng 1/2 đốt ngón tay mà không hề hóc nghẹn. Từ khi phát hiện ra điều đó, mình điều chỉnh cách ăn để thuận theo con.

Mình cho bé ăn vào 10h sáng hàng ngày, khi tăng lên 2 bữa sẽ chọn ăn bữa chiều lúc 4h. Ăn BLW ngồi ghế ăn dặm cùng mâm với bố mẹ, bố mẹ ăn gì con ăn nấy, tránh đồ chiên xào mắm muối ra thôi. Mình thích nắm cơm cho bé cầm nhai, nuốt được gì thì nuốt, hoặc luộc rau, cắt trái cây cho con ăn, cho con ăn bánh ăn dặm.... Do đó, trong bài chia sẻ này mình không đưa thực đơn BLW vào đây vì với mình đây chỉ là phương pháp phụ, giúp con phát triển kỹ năng nhai nuốt. Bữa chính của bé là ăn cháo rây, đảm bảo đủ các nhóm: Tinh bột, đạm, vitamin & khoáng chất, dầu ăn.

Có vài yếu tố các bạn có con lần đầu nên lưu ý như sau:

Bé mới 3-4 tháng rất háu ăn và các bạn nghĩ là con đòi ăn. Thực ra bé nào ban đầu cũng hứng thú ăn như nhau hết, sau vài bữa cho ăn là bé chán ngay, do đó đừng có vội mừng sớm.

Nên cho bé ăn thứ tự các nhóm thức ăn phù hợp với hệ tiêu hoá của bé. Có nhiều tài liệu khuyên cho bé ăn thịt bò, lòng đỏ trứng gà, hạt chia sau 6 tháng để bổ sung sắt và các vi lượng cho bé. Nhưng cũng có tài liệu nói thịt bò con 9 tháng mới được ăn, sau 1 tuổi mới ăn lòng đỏ trứng để tránh dị ứng, sau 3 tuổi mới ăn hạt chia... Có vẻ hoang mang quá đúng không? Mình khuyên các bạn nên lựa theo con, như mình thì mình cho ăn tất cả ba thứ trên sau 7 tháng, và mình hoàn toàn hài lòng với sự đáp ứng cũng như tiêu hoá của con.

Chỉ nên cho bé ăn khoảng 15-20 phút (dù tài liệu khuyên cho ăn 30 phút trở lại), vì bé ngồi ăn lâu dễ dẫn đến chán ăn, biếng ăn. Khi đang ăn mà bé cứ quay đi và gạt đi thì bạn nên dừng luôn, cho bé ăn lại vào bữa sau, không nên cho ăn bù vì cho ăn bù bé sẽ không cải thiện được tình trạng ăn ít hoặc bé sẽ tiếp tục từ chối ăn vào các bữa sau.

Nên cho con ngồi ghế ăn và ăn đúng giờ, nên cho bé ăn đồ rây, nó tối ưu hơn việc ăn bột hoặc nấu cháo rồi xay nhuyễn ra. Bé ăn đồ rây bạn sẽ dễ dàng tăng độ thô phù hợp với từng thời kỳ phát triển của con. Không nêm gia vị người lớn vào đồ ăn cho bé, cho ăn nhạt vì trong thức ăn bé đã có đủ lượng muối tự nhiên rồi. Tuy nhiên nếu bạn vẫn thích nêm gia vị cho bé có thể chọn: Nước tương Nhật, nước mắm nhũ nhi, gia vị Nhật mua sẵn hoặc tự làm gia vị trộn cháo cho bé như ruốc tôm, ruốc cá hồi, ruốc rong biển cá khô mè trắng....

Bé nhà mình 5,5 tháng bắt đầu ăn cháo rây 1:10 (1 gạo 10 nước), các bạn lưu ý rằng đây là tỷ lệ của người Nhật do họ nấu gạo Nhật, là loại gạo rất dẻo. Các bạn nấu gạo Thái, gạo Việt hoặc loại gạo ở quê hay ăn, khô khô rời rạc thì tỷ lệ này không phù hợp nhé, tuỳ loại gạo mà bạn tự căn tỷ lệ khác.

Giai đoạn mới này bé ăn 5ml-10ml-15ml cháo, các ngày tiếp theo tăng thêm 15ml rau củ, sau đó cứ tăng lượng thức ăn theo từng tuần. Mỗi món mới nên cho bé ăn 3 ngày liên tiếp để dạ dày bé làm quen và để theo dõi bé có bị dị ứng đồ ăn hay không.

Bạn cũng không cần máy móc rập khuôn quá, ví dụ con ăn được bạn có thể cho ăn tăng lên cũng không sao, miễn đừng cho ăn quá nhiều khiến bé không tiêu hoá được, tạo gánh nặng cho dạ dày của con. Mỗi bé mỗi khác chứ không phải trăm bé như một, do đó bạn nào mà khẳng định: "Con chỉ được ăn đúng 15ml không được ăn hơn" thì bạn đó quá là chủ quan và ấu trĩ.

Từ 6,5 tháng bé ăn thêm cá thịt trắng, thịt gà... sau 7 tháng ăn gần như đầy đủ các chất.

Các loại dầu ăn cho bé gồm: Dầu gấc ép lạnh, dầu olive, dầu óc chó, dầu quả bơ, dầu mè, dầu omega3 dành cho trẻ em, dầu ăn dinh dưỡng tổng hợp.

Mình chiên xào cho bé hoàn toàn bằng mỡ gà, thỉnh thoảng đổi sang mỡ lợn. Có tài liệu nói sau 1 tuổi con mới được ăn mỡ, nhưng tài liệu mình tâm đắc lại nói trẻ bắt đầu ăn dặm nên cho ăn mỡ, vì mỡ tương tích cơ thể hơn, dễ tiêu hoá hơn và tốt cho bé hơn dầu ăn. Do đó cứ trộn đồ ăn thì mình dùng dầu, còn chiên xào nhiệt cao thì dùng mỡ. Vậy lựa chọn dùng gì cho con tuỳ thuộc vào nhìn nhận riêng cá nhân bạn bé, nếu không theo thì thôi, còn đã theo là phải tin, thế thôi chứ lăn tăn nhiều làm gì cho mệt.

Mình cho bé ăn mỗi tuần 2 bữa hạt chia, một bữa bột chùm ngây (mỗi bữa một muỗng cafe bột này, hoà nước đun sôi trộn cháo), vì hai thứ này tổng hợp được rất nhiều dinh dưỡng, bằng cả rau củ thịt cá cộng lại.

Nguyên liệu cho bé ăn dặm gồm: Gạo Nhật, yến mạch, mì ăn dặm, các loại bún khô ăn dặm... đồ ăn mặn gồm mọi loại rau củ, rong biển, cá Nhật (khoảng 6 loại cá), cá quả, cá ngừ, cá hồi, thịt gà, lòng đỏ trứng, thịt bò...

Khi con bắt đầu ăn dặm, bạn nên dùng một cái hũ thuỷ tinh sâu lòng (xem hình), vo gạo rồi cho nước, nấu cùng nồi cơm người lớn, cơm chín là cháo chín. Cách này áp dụng với cả rau củ quả như khoai tây, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, mồng tơi...

Sau 10 ngày lượng ăn của con tăng lên thì mình nấu bằng bình ủ cháo, hoặc nồi nấu cháo chậm. Mình cực ưng nồi này, sáng dậy vo gạo, đổ nước sôi vào, cắm điện 3 tiếng là cháo cực nhuyễn, mềm. Mình hay băm cá rồi vo viên lại (ưu tiên cho Alan ăn nhiều cá hơn thịt), cắt ít rau củ cho vào nấu cùng cháo, xong rây riêng các loại, tiện ích cực kỳ.

2: CÁCH LÀM GIA VỊ TRỘN CHÁO CHO BÉ ĂN DẶM:

Các bạn mua phi lê cá hồi về ướp sữa tươi không đường khoảng 45 phút cho cá thơm và khử mùi tanh. Sau đó thái lát cá, đem hấp chín cùng gừng xả, sau đó lấy thìa dằm nhỏ ra.

Tôm đồng bóc nõn, chịu khó bóc vì con nha.

Cá cơm khô mua túi đóng gói của Nhật, 60k/túi loại dành cho bé ăn dặm.

Nấm hương khô ngâm nước thái thật nhỏ, chỉ cần ba cái nấm hương thôi.

Cho tất cả tôm, cá cơm và nấm hương vào đảo chín rồi đem xay nhỏ.

Rong biển loại ăn liền, xé nhỏ.

Mè trắng rang vàng.

Trộn tất cả các nguyên liệu trên lại, xay nhỏ bỏ vào hũ cho con ăn. Nếu gia vị còn ướt thì các bạn bỏ lên chảo đảo vàng, đảo lửa nhỏ đến khi gia vị thơm lừng thì tắt bếp.

Với các bé ăn dặm cần xay mịn, các bé trên 1 tuổi nên cho chút nước mắm vào đảo để đậm đà hợp khẩu vị hơn, và xay to to một chút xong viên cơm lại, chấm gia vị này cho con ăn, ngon gấp 1 tỷ lần ăn cơm với ruốc hoặc muối vừng thông thường.

3: CHỌN DẦU ĂN CHO BÉ

Gồm: Dầu ăn dinh dưỡng tổng hợp, dầu olive (2 loại), dầu óc chó (2 loại), dầu mè ép lạnh, dầu gấc ép lạnh, dầu chùm ngây.

Trong đó, không thể lược bỏ bớt loại dầu nào vì dầu nào cũng đều quan trọng cho trí não và sự phát triển của bé.

Mỗi bát cháo mình cho 1 muỗng dầu - loại pha, hoặc xịt 3-4 giọt dầu nguyên chất - loại chưa pha như dầu gấc ép lạnh hay dầu chùm ngây.

Các bé độ tuổi ăn dặm rất hay táo bón nên mỗi tuần cho bé ăn thêm dầu mè đen xen kẽ các ngày giúp bé tiêu hoá tốt hơn.

Hạn sử dụng dầu ăn: Mỗi chai các bạn chỉ nên cho bé ăn trong 3 tháng, hết 3 tháng mà còn thì bỏ đi (người lớn nên dùng trộn salad cho cả nhà cùng ăn nếu mua chai to). Tuy bé không ăn hết một chai dầu trong chu kỳ ba tháng, nhưng các bạn cũng không vì con ăn ít mà mẹ chỉ mua cho con một loại, vì một loại dầu bé ăn mãi sẽ ngán và không đủ cho sự phát triển của bé.

4: LÀM SỮA CHUA TỪ SỮA MẸ:

Công thức dễ lắm, chỉ cần lấy 200ml sữa mẹ, 2 muỗng sữa chua ko đường (loại nào cũng đc).

Sữa mẹ đun ấm khoảng 50 độ C. Lấy sữa chua cái cho vào bát, đánh tan lên cho nó chảy ra thành nước. Rồi đổ vào sữa mẹ khuấy tan đều.

Hũ thuỷ tinh cho tất cả vào nồi luộc, nước sôi 100 độ thì vớt ra cho vào rổ úp, khi hũ nóng úp 15 phút là khô cong. Rồi rót sữa chua vào đó, cho vào ủ.

Cái khâu tiệt trùng hũ quyết định thành bại đấy. Hũ mà các bạn rửa sạch phơi khô xong ủ nó ko thành sữa chua được. Mình đã thử rồi, kiểu gì cũng phải đun nóng lên xong khô một cái là làm sữa luôn thì sữa mới đông và chua như ý.

5: KINH NGHIỆM ĐI DU LỊCH CHO CÁC BỐ MẸ CÓ CON TUỔI ĂN DẶM

Với các bé chưa ăn dặm, đi du lịch cực nhàn, các bạn nên tranh thủ đi nhiều giai đoạn này, đừng sợ con còn quá nhỏ. Trước 5 tháng bé nhà mình đi du lịch hơn 10 chuyến, toàn chuyến đi xa nhưng càng đi con càng khoẻ, bú tốt ngủ tốt, sức đề kháng tăng đáng kể.

Bước vào giai đoạn ăn dặm thì các bạn sẽ hơi mất thời gian một chút, tuy nhiên thật sự không vất vả gì cả, thậm chí còn vui nữa. Cho con ăn giai đoạn này giống chơi đồ hàng cực, con ăn đến đâu mẹ sung sướng trong lòng đến đó, mình khá hào hứng trước mỗi bữa ăn của con ở vùng đất mới.

Mình cầu kỳ nên chuẩn bị đa dạng các loại đồ mang đi, tuy nhiên vẫn ưu tiên tiêu chí gọn nhẹ. Do đó, mình chọn: Bình ủ giữ nhiệt (có nhiều loại bình ủ cháo trẻ em, giá khoảng 300k đến hơn 1 triệu, tuỳ khả năng kinh tế mà bạn sắm, bình rất bền nên yên tâm dùng lâu dài). Khoảng 3 chiếc muỗng trẻ em nhiều màu sắc kích cỡ, hai bát nhựa đựng đồ ăn (nhỏ gọn, siêu nhẹ), một hộp đựng đồ trữ đông, hoặc hộp thường nếu dùng túi đá khô. Tất cả đồ ăn và đồ đựng đều để gói gọn trong cái hộp nhựa đó, nên cực gọn gàng. Nếu bạn đi vùng cao hoặc đi cắm trại hoặc đến những nơi thiếu thốn điều kiện vật chất, bạn nên mang theo cái nồi cắm cháo mini hoặc nồi cắm điện mini. Bạn nhớ bọc đồ trữ đông trong túi đá khô nha, đồ đông được 2 ngày vẫn tươi mới, nhưng thường đến khách sạn thì bạn bỏ đồ vào tủ lạnh luôn.

Giờ tới phần nguyên liệu, nếu cầu kỳ bạn nên mang chút gạo, nước sôi (đựng sẵn trong bình thuỷ giữ nhiệt mình nói bên trên), sau đó hết đến đâu bạn lấy nước nóng ở nhà hàng, khách sạn rót vào đến đó, luôn có sẵn hoặc trong phòng nghỉ đều có ấm siêu tốc để bạn đun. Ở nhà bạn rây sẵn đồ ăn kèm như cá, thịt và rau, đông đá xong cho vào một cái bát kín, mỗi bữa con chỉ ăn 1 đến 2 viên/loại thôi. Dầu ăn cho vào hũ nhỏ xíu, ưu tiên hũ có vòi (các shop Nhật bán theo set, 40k/set 2 hũ). Hoặc bạn làm súp ấy, trong súp có đủ các chất, chỉ cần hâm ấm lại là con ăn được rồi.

Chế biến nha: Ngày 1 bạn đun sẵn cháo cho vào bình ủ, đến chỗ dừng chân, quán ăn hoặc đến khách sạn chỉ cần lấy cháo này ra bát, đánh đều lên là con ăn được. Đồ trữ đông bạn cho vào nồi cháo mini cắm một lúc là ấm, nhưng thông thường bạn chỉ cần nhờ bếp của nhà hàng/khách sạn làm nóng lên cho con rồi trộn dầu ăn là được thôi, họ rất vui vẻ khi bạn nhờ vả. Vậy thôi là con có bữa ăn nóng sốt rồi. Ngày 2-3 thì tối trước khi đi ngủ bạn vo gạo bằng nước sôi, sau đó cho gạo vào bình ủ, đổ vào đó lượng nước sôi vừa đủ, cả ngày hôm sau con có cháo ngon ăn.

Phương pháp trên dành cho các bà mẹ chăm chỉ nhé. Còn đây là phương pháp dành cho các mẹ muốn nhàn nhã và nhanh gọn lẹ: Bạn chuẩn bị cháo ăn dặm đóng gói sẵn, bột ăn liền, bình ủ nước sôi, bát muỗng. Cứ tới bữa của con thì bạn đi pha bột ăn liền, hoặc cho con ăn gói cháo ăn liền đã pha sẵn, bạn khỏi cần pha luôn.

Cách này cũng được, tuy nhiên bạn chỉ mua các loại ăn liền này của Nhật thôi nhé, nó đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp với từng tháng tuổi của bé. Và giá của cháo ăn liền cũng không rẻ, 80k/gói 120gram ăn trong một bữa, gói nhỏ 80gram là 60k. Vậy bạn đi 5 ngày ăn 10 gói là hết từ 600k đến 800k rồi. Bột ăn liền dùng pha cháo thì ăn kiểu chống cháy thôi, mình không ưng lắm nhưng cho con ăn ít vài ngày cũng được.

Tiếp nè, người Nhật họ hay bán các loại súp ăn dặm lắm nhé, súp ngô súp khoai súp rau có đủ, đóng thành từng gói nhỏ riêng, khi ăn chỉ cần pha nước sôi, khuấy đều lên là được. Bạn có thể thay đổi bữa, cho con ăn súp thay cháo để con đỡ ngán.

Thêm nữa, khi di chuyển xa ấy, bạn nên mua cho con bánh ăn dặm, trái cây ăn dặm cho con cầm nắm và một ít đồ chơi gặm nướu, để con ngồi trên ô tô, máy bay con có cái gặm chơi. Trẻ con tầm này rất nghịch và hiếu động, như Alan nhà mình, không có gì gặm là con toàn nhoài người ra chỗ khác, với đủ mọi thứ để chơi, nhưng cứ đưa cho tý đồ ăn thì ngồi im một chỗ mút với nhấm nháp, có lần kiên trì ngồi mút hết 1/4 quả lê, còn bánh ăn dặm thì ăn nhem nhẻm, ăn xong bú no rồi ngủ, ngủ dậy chơi rất vui vì được đi du lịch mà. Thế nên cứ càng đi chơi con lại càng tăng cân.

Mình chỉ đề phòng mọi trường hợp nên mình chuẩn bị cho con cả đồ ăn mình chế biến lẫn đồ ăn liền, do đó con không bị đói hay lỡ bữa.

Khi bạn ăn ở nhà hàng, người ta luôn có sẵn ghế ăn dặm, bạn hãy nắm cơm lại và cho con ăn rau luộc các loại nhé, bé trên 7 tháng đã ăn được cua ghẹ hấp, tôm hấp rồi.

Nơi mình đặt phòng luôn có buffet sáng, ở đó nhiều món bé ăn được lắm, mình cho bé ăn thử rất nhiều món, khả năng ăn của con sẽ làm bạn ngạc nhiên, con ăn cực nhiều ấy.

Bạn nào bú bình thì bạn chuẩn bị thêm bình và sữa bột, nói chung con bú bình thì mẹ vất vả hơn con bú mẹ nhiều lắm, đành chịu. Bé nhà mình bú mẹ nên đi đâu cũng có bình sữa di động đi cùng, thèm là bú bất chấp đang ở đâu :))

Nhà mình có tận 3 bé nên đi chơi mình chuẩn bị nhiều đồ ăn vặt lắm: Trái cây các loại, nước các loại, bánh gạo mặn, bánh gạo ngọt, váng sữa, kẹo cao su, cơm cháy, ngô chiên đóng gói, các loại kẹo bánh mỗi thứ một gói nhỏ, sữa các loại... cho riêng vào túi du lịch cùng đồ của bé và xách theo. Ngồi trên ô tô các con hết ăn lại chơi, chẳng mệt mỏi gì, và cũng không bao giờ rơi vào tình trạng bị đói quá. Vì thế, nhà mình rất thích lái ô tô đi chơi xa, vì đi chơi chỉ có vui với khoẻ chứ không có mệt gì hết.

Các bạn cũng nhớ chuẩn bị nhiều giấy khô, giấy ướt đảm bảo khâu vệ sinh nhé. Và mang theo nhiều túi sạch để đựng rác và đồ bẩn.

Về đồ dùng: Các bé lớn thì không nói, bé nhỏ bạn nhớ đem theo ba lô để bố mẹ đeo trên vai, ngay từ khâu mua sắm từ đầu hãy chọn một ba lô xịn một chút, có độ bền cao, chất liệu lâu cũ để dùng lâu dài. Trong ba lô nên có đủ: Quần áo để bé thay, bỉm, kem chống hăm, dầu khuynh diệp, nước muối sinh lý, kem chống muỗi hoặc xịt chống muỗi, kem chống nắng.... Trong đó mình đựng cả lọ kẹo mình thích ngậm khi đi xa, chun buộc tóc, một thỏi son hồng, một chai xịt khoáng mini cung cấp độ ẩm cho da, giúp tỉnh táo, điện thoại và vài vật dụng bé thích. Khoẻ con nhưng cũng phải đẹp cho mẹ mới chịu 😀

Trong vali người lớn cần mang: Thuốc cảm cho bé (phòng trường hợp rủi ro), rửa mũi, hút mũi, bù nước, men tiêu hoá, thuốc đau bụng cho người lớn, thuốc cảm người lớn, thuốc hạ sốt, bông băng, cồn vàng y tế để khử trùng. Tất cả những loại thuốc này chỉ là để đề phòng thôi vì bạn sẽ không thể biết trước tương lai. Hãy luôn là người chu đáo và chủ động trong mọi tình huống nhé.

Tuỳ mỗi chuyến đi mà mình quyết định sẽ mang địu, xe đẩy hoặc không mang gì hết. Thông thường các resort 5 sao luôn có sẵn nôi cho trẻ em nên khi book phòng các bạn chỉ cần dặn họ chuẩn bị trước là được. Các nhà hàng cũng luôn phục vụ món cháo, bạn có thể order cháo do đầu bếp 5 sao nấu, dặn họ không nêm gia vị hoặc nêm nhạt là bé ăn được. Bé quá nhỏ thì nhờ họ xay nát cháo ra, bé tầm 8 tháng cho ăn cháo nguyên hạt. Đây là cách rất tối ưu và nhàn nhã cho cả gia đình, bé lại thích vì trẻ con rất phấn khởi khi được ăn cùng cả gia đình.

Nguồn: FB Trà My Ngọc Nguyễn

Bài viết bạn nên xem thêm

HỆ THỐNG CỬA HÀNG TUTICARE
TRÊN TOÀN QUỐC
Tìm cửa hàng gần bạn nhất
x icon
Lựa chọn thành phố Bố Mẹ đang sống để được chính sách giá tốt nhất,
miễn phí vận chuyển & giao hàng nhanh chóng
Miền Bắc Miền Trung Miền Nam
goto